Vào khoảng thế kỷ thứ 7, vua Songtsen Gampo cho xây dựng những phần đầu tiên kiến tạo nên cung điện Potala. Pháo đài đầu tiên được tạo ra để làm nơi ở cho 2 người vợ ngoại quốc của nhà vua. Cho đến thế kỷ 17, Đức Đạt-lai Lạt-ma dựng thêm nhiều pháo đài và phòng ốc nữa, biến nó trở thành cung điện Potala như ngày nay.
Công trình này mất tới 50 năm để hoàn thiện, nhưng điều đó cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta được tận mắt chiêm ngưỡng sự đồ sộ và vững bền đáng kinh ngạc của cung điện này.
Ban đầu, cung điện Potala là nơi ở quanh năm cho Đức Đại-lai Lạt-ma, sau đó chỉ được dùng làm nơi nghỉ đông cho họ theo suốt chiều dài lịch sử. Năm 1959, sự xâm chiếm của Trung Quốc khiến Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 phải chạy trốn sang Ấn Độ. Kể từ đó, cung điện Potala trở thành trung tâm của chính phủ và chính quyền Tây Tạng, trở thành một khu tự trị thuộc Trung Quốc.
Ngày nay, cung điện Potala là một bảo tàng.
Cung điện Potala đôi khi được gọi là núi Phổ Đà thứ 2, bởi người ta tin rằng các vị thần đã đi qua, trú ngụ trong cung điện và ban phước lành cho những người ghé thăm. Potala là cung điện được xây ở độ cao nhất thế giới, vì thế nó cũng gần với các vị thần hơn.
Cung điện khổng lồ này có tới 13 tầng với 1000 phòng, được chia thành 2 không gian riêng biệt là Cung điện Đỏ và Cung điện Trắng.
Cung điện Đỏ là trung tâm của pháo đài, và cũng là phần cao nhất của cung điện, là nơi cầu nguyện và nghiên cứu tôn giáo. Bên trong Cung điện Đỏ có những tàn tích còn sót lại từ thế kỷ thứ 7, nhà nguyện và pháp động.
Cung điện Trắng nằm bao quanh cung điện đỏ, tạo thành 2 cánh rõ ràng có thể thấy ở 2 bên pháo đài. Đây là nơi ở của các Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng như các phòng hành chính và nhà ở bổ sung. Cung điện chứa 698 bức tranh tường, gần 10.000 cuộn tranh cùng nhiều tác phẩm điêu khắc và một bộ sưu tập các tài liệu lịch sử quan trọng.
Nhiều hiện vật về Phật giáo và các báu vật được tìm thấy trong khuôn viên cung điện Potala, bao gồm các tác phẩm bằng vàng, kinh sách Phật giáo được biết tay từ nhiều thế kỷ trước, đồ cổ Trung Quốc và những món quà tặng cho các nhân vật tôn giáo bởi các quan chức và hoàng đế Trung Quốc. Những bức tượng điêu khắc hình sư tử tuyết canh gác lối ra vào của cung điện làm tăng thêm vẻ huyền bí cho nơi đây.
Theo Ivivu.com